Doanh nghiệp phấn khởi trước tin mở "van" tăng trưởng tín dụng

17/08/2017

Chuyên mục:

Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng có giải pháp tăng tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho DN, thúc đẩy tăng trưởng nhận được nhiều phản hồi tốt từ phía cộng đồng DN. Các DN mong muốn Chính phủ sẽ đẩy nhanh triển khai trên thực tế để DN sớm tiếp cận với vốn vay này.

"Tin tốt lành"

Trước những khó khăn của tăng trưởng GDP, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành có những giải pháp thuộc lĩnh vực mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017. Trong đó, riêng với lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, đầu tư tài chính, thương mại, xác định đây là kênh rất quan trọng cho phần tăng trưởng, Thủ tướng ra đề bài cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 – 22% nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản, bảo đảm chỉ tiêu lạm phát. Trước đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô. Theo đó, việc thực hiện giảm lãi suất và tăng cung tiền sẽ được thực hiện đối với các khoản cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với DN sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao.

DN BĐS mong tín dụng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tiêu dùng BĐS để hàng hóa được lưu thông tốt hơn. Ảnh: H.Anh.

Trước thông tin này, nhiều DN khi trao đổi với phóng viên cho biết rất phấn khởi bởi họ sẽ có thêm cơ hội để tiếp cận, bổ sung nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, song thực tế không phải lĩnh vực nào cũng có cơ hội được hưởng “ưu đãi” này. Theo ông Nguyễn Viết Hoài, đại diện một DN chuyên làm dịch vụ tiêu thụ các sản phẩm nông sản được sản xuất theo chuỗi tại khu vực Hà Nội cho biết, DN của ông mới thành lập trong năm 2016, vì thế hiện nay DN đang bước đầu gây dựng các chuỗi sản xuất và việc vay vốn ngân hàng để triển khai là rất cần thiết. Với thông tin việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục nhận được nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời với đó hạn mức tín dụng có thể được nâng lên sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, ông Nguyễn Viết Hoài cho biết các DN, đặc biệt là DNVVN rất vui mừng và kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm chỉ đạo các triển khai yêu cầu này để DN sớm tiếp cận với vốn vay, vì rất lo sợ độ trễ chính sách quá lâu làm mất cơ hội kinh doanh của DN.

Chia sẻ về thông tin này, cũng như nhiều DNNVV khác, ông Chu Hưng Giáp, Công ty TNHH Huy Hoàng (Hà Nội), DN chuyên kinh doanh vận tải cho biết, ông rất phấn khởi khi được biết tới đây nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ được tăng lên và đây thực sự là tin tốt lành cho các DN. Sở dĩ như vậy, theo ông Giáp, hiện nay sau một thời gian đi vào kinh doanh ổn định, đội xe vận tải của DN đã có 14 chiếc, nhưng nhu cầu bổ sung phương tiện vận tải của DN ông là rất lớn. Tuy nhiên, vay vốn ngân hàng để mua ô tô vẫn đang phải chịu lãi suất tương đối cao, vì thế, với một DN mà vốn vay ngân hàng chiếm khoảng 40% phần vốn của DN thì việc Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hạ lãi suất và tăng tín dụng thực sự sẽ hỗ trợ, tạo thêm động lực cho DN trong thời gian tới để mạnh dạn đầu tư mở rộng kinh doanh, mở rộng thị trường

Tác động đến bất động sản không lớn?

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, năm 2017 hạn mức tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu là 18%, vừa qua Chính phủ lo ngại tăng trưởng kinh tế không đạt nên đã sử dụng công cụ điều tiết dòng tiền là tín dụng như là biện pháp để đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó nhằm nâng cao mức tăng trưởng kinh tế. Đánh giá về việc mở van tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất liệu có tác động lên hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS hay không, ông Thành cho biết từ trước đến nay tín dụng cho đầu tư BĐS nằm trong nhóm hạn chế, và cho đến nay chưa thực sự có tín dụng phù hợp cho BĐS, từ điều kiện vay, hạn mức, lãi suất, thời hạn vay… do rủi ro từ cho vay BĐS nhiều, ảnh hưởng xấu của việc cho vay kinh doanh BĐS từ giai đoạn trước đến này vẫn đang phải khắc phục.

“Lâu nay chúng ta vẫn hạn chế tín dụng đối với BĐS, do đó, theo nhận định chung của giới BĐS, việc mở van tín dụng của năm 2017 tác động lên các DN BĐS nói riêng, lĩnh vực BĐS nói chung là không lớn. Do sự cấp bách trong thúc đẩy sản xuất nên khi nâng hạn mức, các ngân hàng sẽ phải lựa chọn đối tượng để đưa dòng vốn vào làm sao để tạo được tăng trưởng tốt nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất, có thể lựa chọn đó chưa phải là BĐS”, ông Thành chia sẻ.

Trong tình hình chung của BĐS 6 tháng đầu năm có kết quả phát triển tốt, các chỉ tiêu đặt ra đã được phục hồi, có định hướng phát triển bền vững hơn, lệch pha cung cầu đã được hạn chế nhiều, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, các nhà kinh doanh BĐS cũng đang hy vọng việc nới lỏng van tín dụng cũng sẽ được áp dụng cho các DN kinh doanh BĐS. Nhưng các DN, thị trường BĐS mong đợi nhất là việc cấp vốn tín dụng cho BĐS sẽ tập trung cho BĐS tiêu dùng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất lành cho rằng, việc đẩy mạnh tín dụng sẽ giúp cho thị trường nói chung thông suốt hơn, trong đó có lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên cần xem xét xem Chính phủ có mở rộng cho tất cả mọi ngành hay không, vì thế cần phải chờ xem việc nới tín dụng này trên thực tế được triển khai như thế nào, có áp dụng cho lĩnh vực BĐS không rồi mới có thể đánh giá tác động lên các DN BĐS. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực lưu ý, vẫn phải cần dè chừng trong cấp tín dụng cho BĐS vì chúng ta đã có giai đoạn cho vay để phát triển nhà cao cấp dẫn tới bội thực, một số dự án cao cấp đang chững lại, bán dưới giá. 

Tổng hợp

Vietnam Report