Tận dụng cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu

22/06/2018

Chuyên mục:

Hoạt động xuất khẩu đang trên đà phát triển mạnh, liên tục và được đánh giá là có “bứt phá”. Xuất khẩu ngày càng khẳng định vai trò là động lực của nền kinh tế, đặc biệt xét về đóng góp vào việc tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất trong nước, tạo nguồn thu ngoại tệ cũng như bù đắp cho hoạt động nhập khẩu.

Hoạt động xuất khẩu đang đứng trước cơ hội mới để thúc đẩy quá trình mở cửa, tham gia hội nhập sâu rộng hơn vào đời sống thương mại quốc tế.

Kết quả đáng khích lệ

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 5 tháng qua đạt 94,33 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả khả quan, thể hiện đà tăng trưởng mạnh về xuất khẩu.

Nhờ kết quả xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nên nền kinh tế đã chuyển sang vị thế xuất siêu trong giao thương quốc tế (xuất siêu 2,67 tỷ USD) và đây là điều đáng ghi nhận, bởi Việt Nam thường xuyên nhập siêu trong nhiều năm trước. Từ đầu năm đến nay, đã có 39/45 nhóm hàng có tốc độ xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ, điển hình như điện thoại, sản phẩm điện tử và linh kiện...

Theo Bộ Công Thương, cơ cấu hàng xuất khẩu đang có sự chuyển dịch thành công, đưa hoạt động xuất khẩu ngày càng thực chất. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghệ chế biến, chế tạo hiện chiếm tỷ trọng hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu cho thấy kết quả khả quan của quá trình thực hiện công nghiệp hóa, gắn liền với sự chuyển biến trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt gần 26 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, với sự tăng trưởng ấn tượng của các loại rau, quả xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bộ Công Thương khuyến nghị, các cơ sở sản xuất trong nước cần tận dụng đà tăng trưởng này để chủ động hơn nữa trong hoạt động tiếp thị và xuất khẩu, nhằm nâng cao kim ngạch kết hợp giữa mục tiêu mở rộng quy mô với tìm thị trường mới, cũng như "đánh bóng" thương hiệu nông sản Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu thị trường cũng có sự chuyển biến đáng ghi nhận, theo hướng chủ động hơn. Cụ thể, thị trường xuất khẩu phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa; trong đó hàng Việt luôn giữ được “phong độ” thông qua việc duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao sang Mỹ, EU, Nhật Bản... vốn là những thị trường nhiều tiềm năng về sức mua nhất thế giới. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sang Châu Đại Dương và Châu Phi đang có sự tiến triển mạnh, với mức tăng trưởng lần lượt là 43%, 34% so với cùng kỳ.

Tận dụng các hiệp định thương mại tự do

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, những kết quả nêu trên thể hiện sự nỗ lực trong công tác phát triển thị trường của Bộ cũng như các doanh nghiệp. Trong đó có việc tập trung đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo bàn đạp và điều kiện thuận lợi tối đa cho hàng xuất khẩu Việt Nam (chủ yếu thông qua cam kết mở cửa thị trường và cắt giảm thuế quan).

Đến nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở hàng đầu khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Vietnam - EU (dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2019). Ngoài ra, các hiệp định này còn tạo hiệu ứng kép là đồng thời thu hút thêm vốn đầu tư, trước hết từ những đối tác là thành viên hai hiệp định trên...

Đáng lưu ý, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được tư vấn cũng như tự thân vận động trong việc tìm hiểu quy định, thị hiếu, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa... của các đối tác thuộc những FTA đã có hiệu lực để gia tăng xuất khẩu. Điều đó lý giải vì sao kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang các nước ASEAN, Hàn Quốc, Chile, Trung Quốc đều tăng từ trên 20% đến trên 60%.

Bên cạnh đó, chất lượng và tỷ lệ nội địa hóa của hàng xuất khẩu “Made in Vietnam” cũng đang trên đà cải thiện. Đơn cử, như ngành Dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khi tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm vào năm 2000 mới đạt 15-17%, thì nay đã tăng lên trên 50%. Điều này cũng đồng nghĩa với kết quả, doanh nghiệp ngành Dệt may thu được nhiều lợi nhuận hơn tính trên mỗi sản phẩm xuất khẩu.

Tương tự, hiện cũng có trên 200 doanh nghiệp vệ tinh đảm nhận vai trò nhà cung cấp nội địa cho mặt hàng điện thoại sản xuất tại Việt Nam. Rõ ràng, xuất khẩu đã trở thành “bệ đỡ” để kích hoạt sự phát triển của sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, góp phần làm tăng giá trị gia tăng của nhiều loại sản phẩm.

Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế quốc tế, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích khi tham gia CPTPP, chủ yếu thông qua việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa và hấp dẫn đầu tư kết hợp với tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung và hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các cam kết FTA; cách tiếp cận và thâm nhập thị trường mới; thông tin, thị hiếu và quy định pháp lý cũng như chất lượng, quy cách hàng hóa xuất khẩu với từng thị trường cụ thể...

Hồng Sơn

Theo Hà Nội Mới

Vietnam Report