Tăng trưởng tín dụng cuối năm: Hướng về chất lượng

18/10/2018

Chuyên mục:

Trong khoảng thời gian còn lại của năm, dự kiến một lượng tiền lớn sẽ được bung ra cho nền kinh tế. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, điều hành chính sách tiền tệ phải rất thận trọng, nhất là kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, hướng vào chất lượng để kiểm soát nguồn cung tiền.

Trong quãng thời gian từ năm 2015 đến năm 2017 chính sách tiền tệ tại Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao, từ 18 đến 20%/năm, mặt bằng lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm, nhờ đó đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế luôn đạt mục tiêu. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, các biến động trên thị trường quốc tế gia tăng, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nên Việt Nam không thể thoát khỏi vòng xoáy. Xu hướng thắt chặt tiền tệ cũng được định hình để hướng tới nền kinh tế vĩ mô ổn định.

Bằng chứng là trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chưa được 10%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng đã dẫn đến tác động hai mặt. Mặt tích cực là sẽ ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tránh được cú tác động mạnh từ bên ngoài vào tỷ giá, giữ vững được mục tiêu lạm phát. Tuy nhiên lại không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định như: lãi suất có thể tăng, giá tài sản giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ phải rất thận trọng, nhất là kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, kiểm soát cung tiền. Năm nay không cần thúc đẩy tăng tín dụng, cung tiền lên 15% hay 16% như những năm trước mà nên kiểm soát tín dụng ở mức khoảng 10% để phòng ngừa lạm phát. Tại thời điểm này, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm có khả năng đạt được nên không cần lo lắng về tăng trưởng nữa, trọng tâm chính sách phải hướng về chống lạm phát. Nếu để lạm phát xảy ra, việc chống đỡ sẽ rất vất vả so với phòng ngừa. Nếu khi đó chúng ta mới thắt chặt tiền tệ thì cái giá phải trả sẽ là rất lớn. Bởi thông thường, muốn chống lạm phát, lãi suất phải tăng mạnh. Điều này sẽ giết doanh nghiệp, làm giảm tăng trưởng.

Theo nhìn nhận của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sáchViệt Nam, cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và chống tham nhũng. Trong Quý 3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra Chỉ thị 04 với định hướng kiểm soát chặt tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay BOT, và tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Động thái siết tín dụng này khiến cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% của năm 2018 là khó khả thi khi 9 tháng mới chỉ tăng 9,52%. Tuy nhiên, đây có thể là việc làm cần thiết để kìm hãm sự tăng trưởng quá nóng trong một số lĩnh vực, như bất động sản, cũng như kiểm soát lạm phát.    

Thu Hằng

Tổng hợp

 

Vietnam Report